Là một doanh nhân trẻ, bản lĩnh, chịu khó học hỏi và có nhiều trải nghiệm trên thương trường, chị Đào Hà luôn có mong muốn chia sẻ những điều mình học được cho mọi người. Chị cũng là một thành viên tích cực của hoclamgiau.vn với những bài viết sâu sắc về con đường làm giàu chân chính của mình.
Chuyên mục Nhân vật lần này xin giới thiệu đến các bạn bài phỏng vấn chị Đào Hà về một chủ đề nóng, được nhiều người đang quan tâm
“Kiếm tiền một cách chân chính và bền vững”.
Chị Đào Hà – Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bàn tay Việt (Handviet)
- Từ xưa đến nay, con người ai cũng mong muốn cuộc sống sung túc đầy đủ và tìm các phương cách khác nhau để kiếm được nhiều tiền hơn nữa, chị thấy việc kiếm tiền có dễ?
Kiếm tiền dễ, nhưng để kiếm thật nhiều, thật nhiều tiền không dễ.
- Bản thân chị là một doanh nhân, chắc hẳn con đường kiếm tiền của chị có nhiều kỷ niệm. Chị có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về việc kiếm tiền?
Đó là lần khi tôi còn là một sinh viên. Vào đợt 20 tháng 10 năm 1998. Trước đó 1 tuần 1 chị bạn bán hoa có việc gấp gia đình phải tức tốc về quê. Toàn bộ chỗ hoa chị ấy đã mua rồi, giờ nếu không bán thì rất phí và mất cũng rất nhiều tiền. Chị ấy chuyển giao cho chúng tôi, nửa nhà hoa và nhờ chúng tôi bán. Khi đó tôi và 3 người bạn nữa (2 nam, 2 nữ) nhận lời bán. Gốc thì thu về cho chị ấy còn lãi thì chúng tôi hưởng.
Ngày đầu tiên chúng tôi dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị đồ nghề và 7 giờ sáng có mặt tại gần cổng Đại học Luật. Chúng tôi đứng ở vỉa hè. Người đầu tiên mua hàng là một bác trai tầm trên 50 tuổi. Khi chọn hoa xong bác đưa cho tôi bó, thực sự tôi rất lúng túng. Bó mãi thế nào mà hoa đẹp lại thành xấu. Nhìn cứ đùm một bọc. Bác ấy cười và bảo chắc lần đầu tiên bán hoa đúng không? Tôi không sao quên được nụ cười vị tha của bác.
Chẳng hiểu sao tháng 10 năm ấy trời nóng, mồ hôi chúng tôi toát ra như tắm, nhưng lo nhất là hoa bị héo. Nắng là kẻ thù số một của hoa mà. Chúng tôi phải đi trở nước để tưới cho hoa. Phải che nắng cho hoa còn mình thì chịu đen nhẻm. Rồi chúng tôi cũng bán được thêm cho một số khách nữa.
Ngày thứ 2 có thêm một số bạn khác cũng ra đó bán, chúng tôi bắt đầu thấy có đối thủ cạnh tranh. Hoa của họ cũng đẹp lắm nhưng lúc đó tôi không hiểu sao họ cứ sang bên tôi mua hàng. Đến bây giờ thì tôi hiểu trong kinh doanh người đi trước là người luôn thắng.
Ngày thứ 3 tôi và người bạn của tôi cười tươi hết cỡ, hàng hoa của chúng tôi đắt như tôm tươi, ai đến cũng dừng lại mua. Ở bên cạnh còn rất nhiều hoa nhưng họ không mua mà nhất nhất mua ở bên hàng của tôi. Giờ thì tôi hiểu họ không chỉ mua hoa mà còn mua nụ cười của người bán hoa. Chúng tôi tích cực và chúng tôi hấp dẫn vì sự vui vẻ. Tôi bán đến 7 giờ tối hôm đó thì hết sạch hàng. Còn 1 bông duy nhất cũng bị héo rồi vì mấy ngày trời nắng chang chang. Tôi cho nó vào 1 cái hộp nhựa thế mà có 1 anh chàng đến mua, tôi nói đó là bông cuối cùng không bán mà chỉ tặng. Anh ta nhất nhất đòi mua còn tôi thì nhất nhất không bán. Anh ta lấy làm lạ bỏ đi, 1 phút sau quay lại và nhận bông hoa đó với câu hỏi băn khoăn mà cả đời này không giải đáp được.
Và chiến lợi phẩm chúng tôi thu về là 800.000 đ/người, bằng 1 tháng lương của người đi làm việc. Tiền không phải là nhiều nhưng đó là một sự trải nghiệm thực sự.
- Người xưa có nói “phi thương bất phú”. Còn hiện nay, doanh nhân là người có khả năng kiếm tiền giỏi trong xã hội. Vậy những người không làm doanh nhân thì có cách gì để cải thiện thu nhập của họ?
Tất cả những người là Doanh nhân thì trước đây họ cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác.
Có một người bạn thân bảo tôi rằng, Hà giờ có nhiều nhà nhỉ, cho tôi thuê 1 cái.
Tôi bảo: Mua luôn đi thuê làm gì.
Người bạn tôi bảo: Nhưng tôi không có tiền tôi nghèo
Tôi bảo: Tại sao bạn nghèo?
Họ bảo: Vì bạn giỏi nên bạn giàu, còn tôi kém nên tôi nghèo. Số phận tôi nghèo.
Tôi bảo: Tôi cũng như bạn, tôi có 1 cái đầu, 2 mắt, 2 tay, 2 chân. Tôi cũng sinh ra trong gia đình bình thường, bố công nhân, mẹ bộ đội. Bố mẹ tôi cũng phải chạy ăn từng bữa. Tôi khác bạn ở điểm gì? Cấp 3 bạn là người học giỏi nhất lớp, được bạn bè ai cũng ngưỡng mộ, còn tôi là đứa chẳng ai biết. Bạn học thạc sĩ bên nước ngoài còn tôi học cao đẳng trong nước. Ai giỏi hơn ai? Nếu nói về giỏi bạn giỏi hơn tôi rất nhiều. Vậy vì sao bạn nghèo? Bạn nghèo bị bạn không muốn mình giàu, vì bạn luôn áp đặt bạn là người nghèo, bạn áp đặt số phận của bạn nghèo. Bạn không muốn giàu nên bạn không đầu tư cho việc giàu có. Bạn không chịu tầm sư học đạo, không chịu tìm tòi giao lưu với người giàu. Bạn tự ti và cho rằng mình thấp kém. Bạn bằng lòng với công việc hiện tại, mức lương vài triệu/tháng. Bạn không động não, không cố gắng, không lao động để hướng tới sự giàu có. Bạn từ chối sự giàu có đấy chứ.
Vâng đó là đoạn hội thoại thật sự cách đây 2 tuần của tôi và 1 người bạn cấp 3.
Người bình thường sẽ chia ra làm 2 dạng:
1. An phận: Bằng lòng với những gì mình có. Miễn là đủ ăn. Họ có thể có 1 mức lương ổn định. Hoặc thậm chí họ chẳng có công ăn việc làm cũng không sao, vợ nuôi. Nhưng cuộc đời ai nói trước được chữ ngờ, khi gia đình xảy ra sự cố, họ lại trở thành người nghèo.
2. Người không bằng lòng với số phận: Tuýp này cũng chia ra làm 3 dạng
a. Bán thời gian và sức lao động để kiếm tiền bằng cách nhận thêm một công việc nào đó, tư duy tích góp. Lao động cật lực hơn có thể làm cho họ có của ăn của để. Nhưng đến cuối đời sẽ phải trả giá bằng việc ốm đau và thăm viếng bệnh viện nhiều hơn.
b. Bán tư duy và chất xám, bán ý tưởng. Một ngày mỗi người có thể ra hàng chục ý tưởng. Nhưng để ý tưởng ra tiền được và có người mua ý tưởng của mình thì đó không phải là ai cũng làm được. Và thường những người này chiếm rất ít trong xã hội. Bán ý tưởng rẻ thì không nỡ, bán đắt thì không ai mua. Và cả cuộc đời cứ canh cánh không làm nên được việc lớn. Chỉ có 1 số người cực ít mới thành công và giàu có nhờ điều này.
c. Biết cách sử dụng hệ thống đòn bẩy. Họ sẽ là người giàu nhanh hơn những người khác vì họ có khả năng mượn được tiền, được mối quan hệ, được sức lao động của người khác. Họ không cạnh tranh mà cộng hưởng.
Những người bình thường tùy theo sức của mình mà làm. Tùy theo là mình muốn mình trở thành ai và có giá trị như thế nào trong cuộc sống. Và điều quan trọng hãy tìm cho mình người thầy, người đó phải là người thành công, phải là người nói được và làm được. Nếu chọn nhầm thầy nói hay mà không bao giờ làm thì còn tệ hại hơn.

Chị Đào Hà tại buổi Gặp mặt thành viên tích cực của HLG diễn ra ngày 1/12 vừa qua
- Chị có thể chia sẻ một vài phương pháp kiếm được nhiều tiền trong xã hội hiện nay? Theo chị, ngành nghề nào dễ kiếm tiền nhất trong xã hội?
Không có ngành nghề nào dễ kiếm tiền. Để đứng nói được như các diễn giả họ cũng phải đọc sách rất nhiều, học rất nhiều, quan sát rất nhiều và đầu tư rất nhiều cho cái đầu và cổ họng của họ.
Muốn kiếm được nhiều tiền phải trở thành top những người đứng đầu 1 mảng hoặc một lĩnh vực nào đó. Hiện nay đang có 3 cách thức kinh doanh.
1. Kinh doanh truyền thống: Đòi hỏi phải có vốn, buôn tài không bằng dài vốn, có ý tưởng, có nhân lực tốt, biết luật, có mối quan hệ lớn. Phải làm chủ trong kinh doanh truyền thống.
2. Kinh doanh nhượng quyền: Dành cho những người có tiền nhiều. Mua thương hiệu và kinh doanh trên ý tưởng và thương hiệu của người khác.
3. Kinh doanh hệ thống. Dựa trên hệ thống đã có sẵn, vốn bỏ ra ít, sức lao động nhiều, thời gian nhiều trong thời gian đầu. Phải chọn được đối tác đúng và tốt hệ thống mới phát triển mạnh và bền vững.
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm lên"
- Người ta thường nói người giàu thường là kiếm tiền bất chính. Theo chị để kiếm tiền một cách chân chính thì liệu có khả thi?
Người giàu là người kiếm tiền bất chính - đó là quan niệm của người nghèo và làm họ càng nghèo đi.
Từ bé chúng ta đã đọc những chuyện cổ tích, nào là lão nhà giàu đê tiện, lão nhà giàu tham lam và độc ác... Vô hình chung từ bé chúng ta đã nạp vào đầu thông tin rất tệ hại về việc giàu có và chúng ta rất ghét việc giàu có. Và chính vì vậy chúng ta nghèo.
Thời bao cấp người ta rất ghét những người buôn bán, người ta gọi là con buôn, gian buôn.
Những người môi giới nhà đất người ta gọi là “cò đất”, là ăn trên lưng người khác.
Còn ngày nay Doanh nhân là gì, doanh nhân là những người kinh doanh giỏi. Người ta có ngày tôn vinh Doanh nhân.
Thời thế thế thời, ai nhanh người đó thắng. Lịch sử thì luôn phát triển, dòng lịch sử thì luôn chảy xuôi. Bạn thuận và biết nương theo dòng lịch sử bạn thắng. Bạn phản đối chiến đấu, chê bai, đả kích bạn thua, bạn nghèo.
Đồng tiền thực chất nó không có tội lỗi gì. Có chăng người kiếm nó bằng việc phi pháp thì đồng tiền đó là bất chính, còn kiếm nó hợp pháp thì đồng tiền đó đáng được hoan nghênh. Chúng ta sống trong 1 xã hội và bất cứ đâu cũng có luật của nó. Chúng ta kiếm đồng tiền chân chính bằng cách cùng cộng hưởng cùng hợp tác, cùng giàu có thì không kiếm mới là lạ.
- Một vấn đề rất được nhiều người quan tâm là khi đã có nhiều tiền rồi thì làm thế nào để quản lý được tiền vì tâm lý sợ mất tiền đè nặng. Chị có lời khuyên gì chia sẻ với mọi người?
(Cười): Người nào sợ mất tiền thì chắc chắn tiền sẽ mất. Tiền cũng chỉ là đồ vật, một loại hàng hóa mà thôi. Người giữ đồng tiền tốt nhất là người biết quay vòng đồng tiền và cho nó sinh sôi nảy nở.
- Khi một người đã có nhiều tiền, để sử dụng và quay vòng đồng tiền có ích, theo chị có những phương pháp nào để kiếm những đồng tiền chân chính và lâu dài?
Chúng ta nên học một lớp về đầu tư tài chính hoặc đọc sách về đầu tư. Chúng ta nên giao lưu mở rộng mối quan hệ để có thêm nhiều cơ hội mới. Chúng ta nên bỏ tiền ra để mua thông tin, vì có thông tin tốt tiền nảy nở ra sẽ rất nhiều. Người giàu là người luôn có những thông tin chuẩn nhất, nhanh nhất và chính xác nhất. Chúng ta nên gần gũi với những người giàu có. Chúng ta nên học hỏi ở họ nếu họ chịu chỉ dạy, hãy nghe hoàn toàn không phán xét. Vì họ giàu còn chúng ta thì chưa.
Để có tiền chân chính và lâu dài, chúng ta có thể đầu tư vào các dự án. Quan trọng dự án đó có hợp thời hay không, có đón đầu xu thế hay chạy theo xu thế.
Nếu chúng ta có thật nhiều tiền chúng ta có thể mua công nghệ, mua con người, mua chất xám để làm việc cho mình. Chúng ta hãy tập hợp những bộ óc giỏi làm thay vì giỏi nói thì tiền chúng ta sẽ tiếp tục nảy nở.
Chúng ta có thể bắt tay với các đối tác lớn có tầm nhìn, có tầm ảnh hưởng, có công nghệ.
Để cho đồng tiền không bị rủi ro cao chúng ta nên đón đầu 1 xu thế.
- Tiền có phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chị?
Tiền rất quan trọng, cực kì quan trọng nhưng nó không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là sự cân bằng các giá trị.
- Nếu dành một lời khuyên cho các bạn trẻ muốn lập nghiệp, thành công và kiếm nhiều tiền, chị sẽ khuyên điều gì?
- Nếu bạn nào có năng lực cực kì đặc biệt hãy tìm quân sư, tìm thầy giỏi để họ khơi năng lực đó lên cho bạn. Để họ đầu tư sức lực và trí tuệ của họ cho bạn. Chỉ khi nào bạn đứng trên vai của những người khổng lồ bạn sẽ tăng trưởng bản thân nhanh và bạn có tài chính lớn.
- Nếu bạn nào năng lực bình thường chỉ có ước mơ, có hoài bão chấp nhận lao động khổ cực hãy học tập theo mô hình. Người dẫn dắt và người chỉ đường là người cực kì quan trọng trong cuộc đời bạn. Không có họ, bạn như người lạc giữa rừng mà thôi.
Người trẻ thì có ưu điểm là khát khao lớn, có ước mơ, muốn vươn lên. Nhưng nhược điểm là cả thèm chóng chán, nhanh nản, và không chịu được gian khổ. Hay tự làm theo ý mình và tự chuốc lấy thất bại. Một số người ngủ quên với thất bại. Tuổi trẻ chưa có khái niệm đầu tư, chưa hiểu được mọi thứ đều có giá của nó. Và họ chỉ muốn được chứ chưa sẵn sàng trả giá. Tuy vậy vẫn có 1 số trả giá quá nhiều và tiếp tục trả giá vì theo đuổi mục tiêu ảo tưởng, không có người chỉ dẫn.
Muốn thành công và lập nghiệp được bạn đã nghĩ bạn sẵn sàng trả giá cho nó chưa và bạn sẽ trả bao nhiêu? Bạn sẽ trả bằng những gì?
- Chị có thể chia sẻ một vài quan điểm của chị về tiền?
Hôm nay tôi vừa được ngồi nói chuyện với một doanh nhân thành đạt, một triệu phú thế giới, một người sống trong lòng cả triệu trái tim.
Tôi nói với anh rằng: Tôi là người cầu tiến, là người ham học hỏi. Tôi muốn được có cuộc sống chất lượng cao như gia đình anh, tôi muốn tự do tài chính như anh, tôi muốn chinh phục hàng vạn trái tim như anh, tôi muốn được đi du lịch trăm nước giống như anh. Tôi rất ngưỡng mộ anh và ngày nào đó anh có thể cho tôi xem chiếc nhẫn kim cương của anh được không?
Anh nói: 50.000$
Tôi không hiểu. Tại sao xem một cái nhẫn lại phải trả giá như vậy? Chỉ là xem thôi mà! Tại sao lại phải là tiền? Tiền quan trọng thế sao?
Và trong suốt quãng đường đi về tôi đã suy nghĩ và khi ngộ ra được vấn đề tôi thầm cảm ơn anh. Ẩn ý của anh lớn và cao hơn cái đầu của tôi rất nhiều. Anh đã gieo vào đầu tôi ước mơ lớn. Anh đã cho tôi thấy để có được nó mọi thứ đều phải trả bằng giá, anh đã chỉ cho tôi con đường làm giàu không dễ dàng và không vội vàng. Muốn xem được chiếc nhẫn tôi cần nỗ lực hơn nữa, cần lao động nhiều hơn, cần nằm trong top những người thành công. Nếu những thứ quá dễ và quá đơn giản mà không phải bỏ sức lao động ra mà có được đó là đồng tiền không bền vững. Tôi thầm cám ơn anh vì tôi đã có một người thầy tuyệt vời và sâu sắc.
Nói về tiền tôi thường chia ra làm 4 loại:
Loại 1: Tiền bạc. Có được tiền này chúng ta cảm thấy rất bạc bẽo. Giá phải trả rất đắt. Mặt dù cũng là bỏ mồ hôi ra để làm nhưng giá phải trả có thể là gia đình tan vỡ, ốm đau bệnh tật.
Loại 2: Tiền tệ. Điều kinh khủng khi cầm đồng tiền này trong tay, cha con chém giết, anh em sô xát tranh cướp nhau. Mọi người mất hết nhân tính để tranh dành nó. Giá phải trả có thể là tù tội.
Loại 3: Tiền chùa. Lương tâm biến mất, chấp nhận hối lộ, đút lót để nhận tiền. Dẫm đạp lên người khác để có tiền. Giá phải trả là tương lai con cái, là thế hệ sau của họ không chỉ hỏng về đạo đức mà hỏng về nhân cách.
Loại 4: Tiền tài. Có được là do tích nhân tích đức. Giúp đỡ người khác. Kinh doanh là cộng hưởng không phải dẫm đạp. Giá phải trả là mồ hôi, chất xám, là sự cho trước nhận sau, là khổ luyện thành tài, là tư duy không ngừng update.
Chúc các bạn trở thành những người thành công và giàu có.
- Xin cảm ơn chị
tthttp://khotai.mcatbui.net/